Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng đến năm 2045, với mục tiêu cụ thể hóa chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và TP.Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố và vùng Đồng bằng sông Hồng…
Dự án
Masterise Homes Thủy Nguyên
Hải Phòng
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và phần đảo Vũ Yên, cùng mặt nước liền kề thuộc địa giới hành chính quận Hải An, có quy mô 26.910ha.
Việc quy hoạch nhằm mục tiêu cụ thể hóa chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và TP.Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố và vùng Đồng bằng sông Hồng; xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên thành đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, thành phố sinh thái thông minh…
Đô thị mới Thủy Nguyên sẽ là đô thị loại III vào năm 2025, hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc TP.Hải Phòng. Đây là trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục; đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Dự báo quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 600.000 người; đến năm 2040 có 645.000 người; đến năm 2045 là 725.000 người. Ngoài ra về quy mô đất đai, dự báo đến năm 2030-2035, đất xây dựng từ 8.000-9.000ha, trong đó, đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn 4.200 – 4.800ha; đến năm 2040 – 2045, đất xây dựng 10.000 – 14.000ha, trong đó, đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn 5.000 – 5.800ha.
Để thực hiện mục tiêu, nội dung quy hoạch yêu cầu cần phân tích đánh giá hiện trạng. Trong đó, phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên. Tập trung đánh giá phân tích về vị trí vai trò của Thủy Nguyên trong toàn thành phố và mối liên hệ của Thủy Nguyên với vùng đô thị hiện hữu Nam sông Cấm, cũng như với các vùng phụ cận thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh, từ đó tìm ra lợi thế so sánh, hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác phát triển giữa các đô thị.
Phân tích đánh giá hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Tập trung đánh giá quá trình tăng trưởng dân số, cơ cấu dân số, lao động, trong đó, lưu ý sự tăng trưởng cơ học gắn với sản xuất công nghiệp, dịch vụ từ khi phát triển Khu công nghiệp đô thị VSIP, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Bến Rừng…
Đánh giá việc khai thác sử dụng đất đai và hiệu quả sử dụng đất; đánh giá về kiến trúc cảnh quan đô thị, đặc biệt lưu ý đánh giá các giá trị cảnh quan tự nhiên và các đặc trưng cảnh quan tự nhiên gắn với sông Bạch Đằng, sông Giá, sông Cấm, vùng núi đá tự nhiên ven sông Bạch Đằng gắn với các di tích văn hóa lịch sử. Đánh giá về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và từ đó đối chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển đô thị.
Đánh giá hiện trạng đô thị theo tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị. Rà soát đánh giá chất lượng đô thị và đối chiếu theo tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu của đô thị loại III và hướng tới loại II, để tìm ra hướng đầu tư trọng điểm sớm đưa Thủy Nguyên lên đô thị loại III giai đoạn trước mắt và hướng tới đô thị loại II trong tương lai.
Ngoài ra, theo quy hoạch, mô hình, định hướng phát triển cần lồng ghép, kế thừa định hướng của quy hoạch chung TP.Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải; gắn kết không gian của khu vực nội thị với khu vực đô thị trung tâm TP.Hải Phòng. Nghiên cứu mô hình cùng hướng phát triển đô thị phù hợp với tính đặc trưng về địa hình, cảnh quan, môi trường và văn hóa, xã hội (cảnh quan sông, núi…); phù hợp dự kiến về mô hình tổ chức hành chính mới của đô thị Thủy Nguyên.
Nguồn: vneconomy.vn